Write what you love,
love what you write.
And things beside?
Opps, never mind!
Bài này được viết vào ngày 10/10/2021, nằm trong chuỗi “Thử thách 30 ngày viết cùng Tính Dương” (một người bạn của tôi).
Điều kỳ lạ nhất trong 30 ngày thử thách này, tôi nhớ lại rất nhiều lần đầu tiên của mình. Nhân chuyện Tính Dương bắt đầu có hứng thú với việc sáng tác thơ. Tôi chợt hỏi: Tại sao mình thích làm thơ?
Bài thơ đầu tiên
Bài thơ đầu tiên tôi viết vào năm lớp Sáu, về ông ngoại, lưu trên máy tính cũ giờ thất lạc mất rồi. Bài thứ hai viết tả cây mận để nộp kiểm tra 1 tiết, cũng vào năm lớp Sáu. Từ đó trở về sau, tôi thường xuyên viết nhật ký vào mỗi tối, ghi lại những việc xảy ra trong ngày. Đến khi lên đại học thì phần nhật ký còn thêm cả các khoản chi tiêu.
Điều gì đến sẽ đến
Bẵng đến năm 2018, khi xảy ra sự kiện 50,000 công nhân Pouyen nổi dậy biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng, tôi viết bài thơ đầu tiên và tạo lập fanpage Chút nắng.
Một năm sau đó, 2019, khi gặp được một cô bạn, thì tôi lại muốn viết thơ! Đơn giản vì nó đẹp, theo khung thẩm mỹ tôi luôn hướng tới. Cứ thế, những sự kiện diễn ra xung quanh dần được đưa vào các vần thơ. Tôi cố gắng duy trì nhịp độ 1 bài/ tháng, nhưng thật may mắn điều đó đã được cải thiện vào tháng 10 năm nay với tần suất 1 tuần/ bài.
Thể thơ tôi thường viết là lục bát, vì đơn giản mỗi khi tôi suy nghĩ thì ý thơ nó tuôn ra theo thể thơ đó. Nhưng sau khi vấp phải một số ý kiến về nêm luật gieo vần thì thơ của tôi quả là chưa thật sự chính xác, hơn ai hết, tôi biết điều đó.
Suy cho cùng, tiếng Việt vốn dĩ là một ngôn ngữ giàu tính nhạc, ngay cả khi không vần, thì thanh điệu cũng giúp cho thơ mượt mà, thuận miệng. Nếu tôi viết theo hình thức câu 6 – câu 8 nhưng không đúng vần, thì bạn hãy nghĩ đó là thơ tự do, hay đơn thuần hơn là thơ con cóc, hoặc văn xuôi. Tùy, thích thì viết, vậy thôi, có mang đi thi đâu nào!
Tại sao tôi thích làm thơ?
- Tôi muốn lưu lại ký ức của mình, về chính bản thân mình, cả những người xung quanh.
- Viết thơ ngắn hơn viết văn xuôi, tôi thích lược bỏ hết những từ không thật sự quan trọng.
- Viết thơ có vẻ “bí ẩn” hơn viết văn xuôi, và tôi muốn mình hơi bí ẩn một chút.
- Viết ngắn hiểu nhiều, hiểu theo nhiều cách, dễ nhận được sự đồng cảm của độc giả.
- Thơ có độ dài vừa phải, khá phù hợp để đăng Facebook, Instagram.
- Vì khi viết thơ về một chủ đề nào đó, có nghĩa là tôi dành tình cảm đặc biệt cho nó, ý là tôi rất rất rất yêu thích. Và thơ là cách tôi cảm thấy có thể diễn tả và truyền tải trọn vẹn điều mình đang nghĩ, kể cả những tứ mà chữ viết không thể hiện được.
- Đôi khi bài thơ như lời an ủi, lời cảm ơn, lời xin lỗi… một ai đó, theo cách tế nhị nhất.
- Vì khi viết thơ tôi cảm thấy vui vẻ, thấy thỏa mãn.
Bạn có muốn làm thơ?
Thật ra, ai cũng có thể làm thơ, chỉ cần áp dụng duy nhất điều kiện cần và đủ: đọc nghe êm tai! Đó có thể là gieo vần hoặc chú ý thanh điệu. Bên lề nhưng không kém phần quan trọng:
- Tìm thấy “nàng thơ” của mình. Có thể là một chàng trai, một cô gái, một mối tình, một nhành cây, một sớm mai…
- Bạn phải yêu cái đẹp, ngay cả khi viết về những buồn đau, mất mát, chia ly, thì bạn vẫn phải cảm nhận được sự “đẹp” ở trong đó.
- Hãy thử khởi đầu với thơ con cóc, 3, 4 hoặc 5 chữ, tối thiểu 4 câu.
- Trung thành với bản thân, đừng để bị lung lay bởi phong cách của người khác. Văn xuôi thì có thể thay đổi cấu trúc câu, nhưng câu trong thơ chỉ cần giống ý tưởng nguy cơ cao sẽ dính tham khảo (đặc biệt là những bài thơ nổi tiếng).
- Bạn có thể chỉ sử dụng một thể thơ, nhưng cũng hãy thử vài lần thể khác, biết đâu bản thân lại phù hợp.
- Đọc, chắt lọc, tích góp từ hay (theo hướng cổ mỹ từ của Trong sáng tiếng Việt cũng khá hay, nhưng đừng lạm dụng).
- Luôn quan sát và không ngừng tìm nguồn cảm hứng. Bạn chẳng bao giờ biết bài thơ kế tiếp mình viết về chủ đề gì cho đến khi bắt đầu viết!
- Kỷ luật. Ngay cả khi không bài nào ra hồn, thì bạn cũng phải viết, nhưng đừng đăng nhé, kẻo lại có người thoát vòng fan.
Bạn cũng có thể Like hoặc Follow Chút nắng nè: https://www.facebook.com/chutnang2018
Nếu có thể, tôi hy vọng và mong được đọc bài thơ của bạn, dù là lần đầu hay lần thứ bao nhiêu.
Đừng bao giờ ngần ngại
Khi muốn viết câu thơ
Giận, hờn, yêu hay ghét
Viết ra xem, thể nào?
Cùng lắng nghe một bản nhạc rất quen thuộc được nhạc sĩ Anh Bằng phổ từ thơ Du Tử Lê, do danh ca Tuấn Ngọc trình bày tại Mây lang thang. Nhà thơ Du Tử Lê sống rất kín tiếng, khiêm tốn, ông luôn âm thầm sáng tác cả thi và họa. Dù đã về với mây trời nhưng những tác phẩm của ông vẫn sống, sống vượt ra khỏi những con chữ, hóa thân vào một hình hài khác.