Tôi đọc sách như thế nào?

“Dù tôi không thể nhớ hết những cuốn sách tôi từng đọc cũng như những bữa tôi từng ăn, nhưng chúng đều làm nên con người tôi.” – Ralph Waldo Emesson


Tôi rất thích đọc sách. Sở thích hình thành phần lớn là nhờ mẹ tôi.

Lúc học lớp Một, tôi đã có một tủ sách là mấy tờ báo phát hành hàng tuần, thứ 2 Rùa Vàng, thứ 4 Khăn Quàng Đỏ, thứ 5 Nhi Đồng. Sang cấp Hai thì chuyển sang Hoa Học Trò, Mực Tím. Cấp Ba thì Trà sữa cho tâm hồn, và bắt đầu thích đọc truyện dài, đặc biệt là Nguyễn Nhật Ánh với loạt Kính Vạn Hoa và Harry Potter.

Đọc sách cũng mang đến cho tôi một trong những khoản thu nhập đầu tiên trong đời: đoạt giải Nhất cuộc thi giới thiệu sách cho thư viện trường hồi lớp Bốn (trước đó là vẽ tranh vào lớp Một). Cũng nhờ mê sách mà tôi rèn luyện được tính dám nghĩ dám làm. Cụ thể là lén mượn và đọc hết bộ Phù thủy xứ Lang Biang của Nguyễn Nhật Ánh trong thư viện trường cấp Hai. Chớ hiểu tại sao một bộ sách hay ho như vậy lại không cho học sinh mượn. What the hell cô thủ thư! Ok, nhưng cuối cùng thì tôi đã đọc được.

Quyển sách đầu tiên tôi mua là Chuỗi hạt Azoth của Phan Hồn Nhiên (một cây bút fantastic tôi yêu thích nhất), vào năm lớp 10. Tiếp theo đó là các sách được đặt qua Tiki.

Tôi đọc sách gì?

Tôi không kén chủ đề, nhưng phần lớn sách trên kệ thuộc các dòng sau đây. Tôi sẽ kèm theo những gì chúng mang lại nữa:

  • Tác phẩm văn học kinh điển thế giới (phần nhiều là Tây phương): bắt đầu từ nhu cầu đọc để tìm tài liệu phục vụ các môn ở bậc Đại học, để khi ai đó nói ra “Đồi gió hú”, “Bắt trẻ đồng xanh”, “Lolita”… các nhân vật, thủ pháp, bài học, ẩn ý… có liên quan thì tôi phải biết. Nhưng bạn biết đó, chỉ có tiếng mẹ đẻ, gắn liền với văn hóa “mẹ đẻ” thì mới thật sự trở thành một phần của con người mình.
  • Tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam: cũng bắt đầu từ nhu cầu đại học, tôi tìm đọc các tác phẩm theo dòng thời gian: Tố Tâm (quyển tiểu thuyết đầu tiên của Việt Nam), đôi dòng lục bát trong Kiều, Lục Vân Tiên đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều… Rồi loạt tác phẩm của Nam Cao, Thạch Lam… để hiểu về lịch sử. Và cũng phần nào hình dung lại sự phát triển của Chữ Quốc Ngữ, của văn hóa Việt Nam. Có nhiều bạn cứ băn khoăn, tìm đâu từ “đắt”, viết sao gãy gọt, đọc tác phẩm văn học Việt Nam! Các bác các chú viết cái kiểu gì mà hay quá!
  • Những năm gần đây có thêm các đầu sách marketing, kinh tế: phục vụ cho công việc, để khi đồng nghiệp nói chuyện mình hiểu được à, đó là cái gì, và ứng dụng như thế nào.
  • Cũng thêm sách tâm lý, self-help: thật ra tôi không đánh giá cao dòng self-help, ngoại trừ việc bạn có một thứ để trút bỏ những mệt mỏi vào một thời điểm nào đó, thì loại sách này mang đến giá trị tùy vào cảm nhận của từng người.
  • Gần đây nhất là ngôn tình Trung Quốc. Trước đây tôi vốn dĩ không thích thể loại này, nhưng gần đây lại rất hứng thú, đúng là có cảm thấy vui vẻ hơn. Tuy nhiên, cần chọn đầu sách, bạn cần ưu tiên các sách của các NXB uy tín để được đọc sách dịch mượt, không sai lỗi chính tả (tất nhiên cũng có một vài trường hợp bản dịch trong các forum hay hơn cả sách xuất bản chính thống :v).
  • Thảng hoặc, khi có thu nhập đỡ hơn một chút, tôi cũng mua sách vì bìa nó đẹp. Ưu tiên bìa đẹp. Như một dạng sưu tầm.
toi doc sach nhu the nao
Tư thế đọc sách yêu thích số 1

Tôi đọc như thế nào?

Thật ra tốc độ đọc của tôi khá nhanh. Chính xác cái sự lia con mắt rất nhanh. Vì tôi không đọc từng chữ một mà sẽ đọc qua hết và chỉ dừng lại ở những chỗ mình tâm đắc mà thôi. Thậm chí nếu cần thiết, tôi có thể đọc lại lần 2, 3 hoặc nhiều hơn nữa.

  • Đừng khăng khăng đọc từng từ, hãy chú ý những điều khiến bạn chú ý, tập cách tóm tắt nhanh những gì vừa đọc.
  • Khi đọc nên có một cây bút, đánh dấu lại những từ, câu, ý mà bạn thích. Bằng cách này, tôi có thể nhớ được những gì mình đã đánh dấu nằm ở khoảng nào trong quyển sách, khi tìm lại lật nhanh là tới liền.
  • Khi đọc những quyển có hàm lượng kiến thức lớn, hãy ghi chú lại. Ghi vào sổ, note hoặc bất cứ thứ gì bạn muốn. Điều quan trọng, bạn phải ghi. Và bạn sẽ có mọi thứ mình cần khi muốn tìm thông tin hoặc chuyển thành một file recap.
  • Tôi thích đọc khi nằm, chính xác là nằm võng. Vì ngày xưa nhà tôi bán cà phê, võng rất nhiều. Trưa trưa ra nằm tòn ten đọc tới xế chiều, vậy á!
  • Tôi đọc mục lục trước, sau đó đọc từ đầu đến cuối trong lần đọc đầu tiên. Tuyệt đối không thay đổi thói quen này, không có ngoại lệ!
  • Tôi cũng thường giới thiệu quyển sách mình tâm đắc cho bạn bè, đây cũng là một cách giúp mình nhớ lâu hơn.
toi doc sach nhu the nao 2
Tư thế đọc sách yêu thích thứ hai

Đọc sách, được gì?

  • Được khoảng thời gian tập trung. Có khi nào bạn đọc chăm chú tới mức cảm thấy không gian xung quanh tĩnh mịch chưa? Cứ như chẳng còn ai bên cạnh, và lúc đó bạn được tự do là chính mình.
  • Được nhận một cuộc trò chuyện. Có khi đọc, tôi cảm nhận được tác giả hoặc nhân vật đang trò chuyện cùng mình.
  • Được thư giãn. Đọc cái mình thích, cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
  • Được kiến thức mới. Những điều trước khi đọc mình không nghĩ là nó tồn tại.
  • Được sự bình tĩnh. Đón nhận, đối xử với mọi vấn đề trong cuộc sống như cách lật từng trang sách.
  • Được sự kiên trì. Khi hoàn thành quyển sách siêu dày.
  • Được sống những cuộc đời khác nhau, theo lời kể của câu chuyện.
  • Được đi du lịch, rong ruổi trong những trang giấy, như được trải nghiệm thực tế.
  • Được nhận ra những thứ bình dị đang tồn tại xung quanh mình.

Hãy dành thời gian, đọc 10 trang sách mỗi ngày!