Con quỷ bên trong tôi
Xin đừng kêu nó dậy
Trừ khi bạn muốn thấy
Hãy làm theo cách nầy :3
Bữa giờ toàn kể cho nghe chuyện vui vẻ, tích cực. Thôi nay đổi gió nghe tôi than vãn một xíu. Tôi là một người hòa đồng có chọn lọc, hiếm khi giận ai, số người tôi ghét đếm chưa hết một bàn tay. Nhưng tất nhiên, ai cũng có giới hạn của riêng mình.
Khi đối mặt với sự việc có nguy cơ cao kéo lôi mình xuống bờ vực bực tức, cáu gắt, giận dữ… và ti tỉ cảm xúc tiêu cực khác… thì bản thân sẽ tự vạch ra một lằn ranh, gọi là giới hạn. Đây là cách mỗi người duy trì cảm xúc tích cực. Theo thời gian, giới hạn đó sẽ rõ nét hơn, bền vững hơn.
Tuy không quá kỳ cục và phần lớn tình huống tôi đều có thể kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng thật sự sẽ rất khó chịu khi gặp một số sự vụ sau đây:
- Tiếng kêu rin rít như đang có cái gì đó cào trên bề mặt kim loại
- Đang rất đói bụng, vừa ngồi ngay ngắn vào bàn ăn cơm thì bị nhờ đi lấy thứ gì đó (nước mắm, muỗng đũa, chén dĩa…)
- Nhai nhóp nhép (nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận thói quen này đối với những người tôi đã thân quen)
- Ăn đũa, muỗng va vào răng cốp cốp (không biết có trường hợp nào vì làm như vậy mà bị mẻ hay súng răng chưa?)
- Không ở trong phòng mà bật đèn, quạt, máy lạnh, tivi
- Ai đó ra vào một căn phòng nào đó mà trước đó cửa phòng đóng mà không đóng lại
- Kêu/ nhờ tôi làm gì đó (bất cứ điều gì), nhưng nói lặp đi lặp lại trên 3 lần
- Vứt ly nhựa còn nước vào trong thùng rác
- Bồn cầu bị người đi vệ sinh trước làm cho bị ướt
? Đến đây, để tôi kể cho nghe chuyện hài hước này.
Lúc đó là tối thứ Sáu, tôi có lớp đàn ở ngoài nhà thờ. Dắt chiếc xe đạp ra tới cổng thấy xẹp bánh, mà sát giờ rồi, phải đóng 4 cái ổ khóa trước sau trong ngoài, cửa rào thì không khóa được, loay hoay một hồi thì đổ mồ hôi nhễ nhại luôn. Thế là hối hả chạy qua bên kia cầu bơm bánh xe.
Vừa nhảy xuống xe, nói “Ông ơi bơm dùm con cái bánh xe”, thì có chị gái kia nói xối xả: (em, em, em, em dắt xe xít vô đi. Em gác chống đi. Em xít vô đi, ông đi lại khó khăn) x n lần. Ông sửa xe bị phong, nên đã đoạn hai bàn chân, phải ngồi trên cái ghế tự chế gắn bánh xe để di chuyển, kiểu như ghế ngồi rửa chén vậy. Với kinh nghiệm 25 năm sống tại đất Cần Giuộc, tung hoành dưới dốc cầu đập Trị Yên, tôi thừa biết được chuyện này.
Đến đây lại có giai thoại nữa, ông này ngày xưa bị phong cùi nhưng hết bệnh nhờ nuốt mấy chỉ vàng y. Sau đó mấy chục năm thì tái lại, cụ thể là 2 năm trở lại đây.
****Đầu óc tôi lúc này quay cuồng rồi, còn tim thì đập thình thịch, thở gấp gáp, kiểu đang rất là giận. Sau đó, tôi đã nhủ lòng bình tĩnh, trễ chút có sao đâu.
Nhưng không, chị đó cứ lải nhải lải nhải, tôi đành bật: “Chị em xin lỗi chị nhưng chị đừng có nói nữa em biết rồi em đang rất là bực mình và gấp nữa.” Chính xác là một lèo như vậy, rất dứt khoát và lưu loát, như thể tất thảy bồn chồn trong người theo lời nói tuôn ra.
Sau đó, bà chị có vẻ quê, cười cười cho qua chuyện. Còn tôi sau khi dùng hết sức bình sinh đạp qua bên kia cây cầu vẫn chưa hiểu mình đã làm cái giống ôn gì lúc nãy. Nhưng thật sự rất sảng khoải đó mọi người. Ở đâu ra cái thể loại nói dai như vậy *ẳng ẳng*
Đây cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi cảm thấy mình hành xử hơi bất lịch sự với một người xa lạ, ở ngoài đường. Và cũng là lần đầu tiên tôi phát hiện và sử dụng nhân cách cục súc bên trong mình ?
Sau mỗi lần ai đó làm tôi bực tức, tôi liền nghĩ đến gia đình, bạn bè và những phút giây hạnh phúc tôi đã trải qua cùng họ. Liền thấy mình thật trẻ con, phì cười một cái là xong! Cảm ơn mọi người đã luôn ở bên ❤️
Cùng quay về năm 2005 với “Chuyện nhỏ” của MTV, tôi thấy tinh thần vui tươi đáng học hỏi mỗi khi gặp điều mắc tức :v