Tạm biệt không có nghĩa là vĩnh biệt.
Tạm biệt không có nghĩa là kết thúc.
Chỉ đơn giản là trong lúc chờ mong gặp lại,
tớ sẽ nhớ cậu biết bao nhiêu!
23h18, không gian buổi đêm tĩnh lặng đến lạ thường. Trước những giây phút cuối cùng của ngày, tôi chợt nhận ra chỉ chốc lát đây thôi, sẽ thành ngày cũ. Chợt nhớ đến những người, cũng đã cũ.
2021 với Covid, có chăng chúng ta đang phải trải qua chuỗi diễn biến hệt như các kịch bản phim thảm họa đã xem (gần giống nhất là The Flu của Hàn Quốc sản xuất vào năm 2013).
2021 với nhiều sự chia ly, mất mát, có lẽ với tần suất dày đặc nhất trong cuộc đời tôi tính đến thời điểm này.
Sự biến mất đáng mong đợi
Gần nhà tôi có một bà cô, tầm 60 tuổi, gọi theo tên chồng là bà Tám. Bà cô vốn xuất thân từ gia đình đạo dòng, nhưng vì tình duyên nên vẫn quyết tâm kết hôn với người ngoại đạo. Trái ngược với ngoại hình rất quý tộc – dáng người cao, thanh thoát, ngũ quan hài hòa, tóc xoăn thành lọn rất Tây – cuộc đời bà lại ngập chìm trong sự tuyệt vọng. Chồng ngăn cấm đi nhà thờ, đứa con gái duy nhất thừa hưởng gen trội của ba mẹ với hình hài vẹn nguyên nhưng trí tuệ bị khiếm khuyết.
Ngày xưa, lúc nhà tôi bán quán cà phê thì chồng bà thường xuyên giao nước ngọt, vì thấy tôi khỏe mạnh nên lấy tên “Thảo Nguyên” để gọi chị đó. Những ngày cuối đời bà bị tai biến, phải nằm một chỗ. Đến ngày hay tin qua đời thì tang lễ được tổ chức tại một căn nhà hoang cách xa nhà (người ta không biết được tại sao lại tổ chức tại đó và thật sự bà mất ở đâu). Đến cuối cuộc đời, hà tất phải bạc đãi người đầu ấp tay gối với mình như thế sao?
Hết kem chuối ăn
Lần này là bà Mười Quán, đơn giản vì bả bán quán và thứ mười. Có thể nói với mô hình khởi nghiệp từ 20 năm trước chỉ với vỏn vẹn một chiếc tủ đông đá loại lớn siêu bền, bà Mười đã trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của xóm nhà Nội tôi. Quán nằm ngay đầu hẻm vào nhà Nội.
Ngày xưa tôi rất khỉ khọn, kiểu như thằng Bìn con trai bả chửi ông Nội tôi “Tư Nai” thì tôi chửi lại “Đm Mười Quán”. Tất nhiên sau đó là chạy ra cầu cá tra ngồi trốn, nhưng thật tình rất là vui luôn đó mọi người. Tôi vẫn nhớ và rất thích món kem chuối, kem hồ lô, da ua, nước bò húc trong cái tủ lạnh tổ bà chảng đó, à còn nước đá cục làm trong cái chun inox nữa.
Rồi một ngày nhận tin bà Mười Quán chết rồi. Một người phụ nữ chỉ mới ngoài 60, siêng năng tập thể dục dưỡng sinh mỗi sáng, lại chết, không vì Covid trong thời Covid. Đám tổ chức kín đển nỗi ngoài con đường đó ra, chẳng ai biết xóm có tang.
Ước nguyện dang dở
Cô Phấn, trải qua hơn 60 năm cuộc đời, một lần chiến thắng ung thư vú, một lần chiến thắng ung thư phổi, một lần chiến thắng tai biến mạch máu não. Nhưng cuối cùng Chúa gọi cô đi. Vì ngày trẻ làm cô giáo, nên ai cũng quý mến gọi là “cô”, chứ đúng ra tôi phải gọi là “bà” mới phải lẽ.
Cô Phấn chung đạo với tôi, mỗi tối thứ Ba hàng tuần tôi đều đến điểm nhóm để thờ phượng Chúa với bà con sống trong khu vực đó. Gia đình cô rất giàu nhưng lại đơn chiếc, chỉ có một anh con trai, anh này sa vào nghiện ngập, cai rồi lại tái. Đến lúc gần đất xa trời, cô vẫn chưa kịp gặp đứa cháu nội đang còn trong bụng người con dâu ở tận tỉnh xa. Đến lúc gần đất xa trời con trai cô vẫn chưa yên bề gia thất.
Hẹn gặp lại ông
Người ông đức tin, tôi luôn xem như là ông ngoại thứ hai của mình. Người luôn cổ vũ tinh thần tôi trong học tập, học đàn, trong sự hầu việc Chúa. Dù lúc 12 tuổi hay 25 tuổi, mỗi lần gặp ông đều vỗ đầu tôi, lâu ngày không gặp thì ôm tôi thật chặt.
Từ cầu Nhị Thiên Đường, Quận 8, cứ mỗi Chúa Nhật ông lại chạy xe về Cần Giuộc nhóm, sau này tuổi cao sức yếu không chạy xe được thì bán tặng cha tôi chiếc xe Dream Thái, còn ông thì đi xe ôm. Mà cũng lạ, ông nhất quyết đi xe ôm là vì muốn bác lái xe có thêm tiền, vì bác đó nghèo lắm. Nhớ lúc nhỏ, mỗi lần ông Hai về là anh em tôi rất thích, vì sẽ có đồ Sài Gòn ăn sướng luôn, bánh bò bánh tiêu, heo quay bánh hỏi…
Rồi chỗ ông sống là tâm dịch Covid của quận 8, khi cả nhà 5 người hoàn thành tiêm ngừa thì phát hiện ông dương tính. Tình hình nghiêm trọng hơn khi lây sang 3 người lớn và 1 bé nhỏ chỉ mới 3 tuổi. Chúa thương xót chữa lành gia đình ông. Nhưng bệnh đường ruột tái phát, ông phẫu thuật và tình hình tệ đi rất nhiều. Giây phút cuối dùng trong lời cầu nguyện, ông xin Chúa cất lấy sự sống mình đi, vì bản thân không còn phục vụ Chúa được nữa. Nhậm lời cầu xin đó, ông Hai xa cõi đời ở tuổi 80.
Tang lễ online, chẳng ai đến viếng. Một con người tử tế và tận tụy, đến khi qua đời chẳng có ai tiễn đưa. Ngay cả lời hứa của nhóm bạn già, rằng khi một thành viên qua đời, thì những người còn lại phải túc trực bên quan tài cho đến khi hạ nguyệt, mãi mãi không thực hiện được.
Trong niềm tin mãnh liệt, trên niềm tảng đức tin về sự cứu chuộc của Cứu Chúa Jesus, ông cháu mình sẽ gặp lại nhau trong nước thiên đàng vinh hiển, khi Chúa trở lại.
Yên tâm đi nhé
Marshall về nhà khi nhỏ chỉ bằng lòng bàn tay của tôi. Từ nhỏ đến lớn nó rất hay bệnh vặt, nên sau một năm nuôi dưỡng, dù cao hơn đầu gối tôi nhưng dáng ốm lêu khêu. Lúc trước tưởng nó chết vì dính nguyên cái mặt vô miếng kêu dán chuột, nhưng nó sống. Mỗi ngày đi làm về, gác chống xe tuốt ngoài cửa rào, là ở sân sau nó sủa mừng tôi rồi.
Ngày phát hiện nó bệnh, thị trấn đang giãn cách chỉ thị 16, anh Hai tôi còn liều chạy gõ cửa tiệm thú y để mua thuốc và sữa bột cho nó. Suốt 2 ngày dọn chuồng, đút uống sữa, tắm gội, tình hình vẫn không thể khá hơn. Nó thoi thóp và yếu dần đi. Lúc cuối cùng, tôi vuốt nó thật lâu, thì thầm rằng hãy yên tâm đi đi, tôi yêu nó rất nhiều, luôn luôn là như vậy.
Hãy nói tạm biệt khi chia tay
Có ai biết được khi nào mình ra đi? Có ai biết được đó sẽ lần gặp gỡ cuối cùng? Hãy tử tế với nhau, và yêu thương nhau, nhé. Mỗi người chỉ sống một lần, nếu sống đúng cách thì một lần là đủ!
Trên phương diện niềm tin, tôi ước ao tất cả người thân và bạn bè của mình đều được nghe, biết và tin Đạo, để chúng ta sẽ gặp lại nhau. Nhưng đây là con đường hẹp hòi, khó đi, tôi luôn tôn trọng quan điểm tôn giáo của họ. May mắn thay, họ cũng rất cởi mở. Hy vọng vào một ngày không xa, tôi sẽ có cơ hội bày tỏ điều này.
“Nearer, My God, to Thee” là bản nhạc cuối cùng được các nhạc công hòa tấu trước boong tàu khi Titanic dần chìm xuống lòng Đại Tây Dương. Giữa khung cảnh đầy hoảng loạn, giai điệu bình yên vang lên rất nhẹ nhàng. Đến phút cuối cùng, con người ta thật sự cần gì?