Hãy đến viếng khi tôi qua đời

Đừng để ngày ta sống

Chỉ tồn tại hư không


1. Sản phẩm đầu tiên

Vào tháng 10/2021 lần đầu tiên, bức hình do tôi photoshop được sử dụng ở nước Mỹ xa xôi, được nhiều người trông thấy. Đó là bức ảnh kỷ niệm trong một lễ tang.

Dượng rất hiền, dáng vóc và nét mặt toát lên rất rõ ràng, dù tôi chưa gặp trực tiếp ngoài đời lần nào. Trải qua 3 lần ghép cuống tim, không được đi máy bay, không được ăn rau xanh vì máu khó đông, dượng phải duy trì lối sống vô cùng kỷ luật.

Trước khi cơn đột quỵ khiến dượng chìm vào hôn mê sâu, khuya đó dượng thay đồ thật chỉnh tề, dựng người vợ đang say ngủ thức dậy, ôm chầm lấy rồi nói “Anh yêu em nhiều lắm, em có biết không?”. Dường như biết trước sự ra đi của mình vậy! Và sáng hôm sau, Chúa cất dượng đi.

  • Nếu bạn đã tìm được một nửa của mình, hãy nghiêm túc và trân trọng từng phút giây bên nhau.
  • Nếu bạn chưa, thì hãy yêu thương bản thân gấp đôi, luôn cả phần của người bạn đời cho đến khi gặp được họ.

2. Giờ cầu nguyện

Có thể bạn đã biết (hoặc chưa, thì bây giờ bạn biết), tôi theo đạo Tin Lành. Do đó, nghi thức tang lễ có phần khác biệt so với truyền thống Việt Nam.

Một số điều dễ thấy nhất, gồm:

  • Không trống kèn
  • Không bái lạy
  • Không cúng kiến, khói nhang, lễ vật
  • Không sư thầy tụng kinh gõ mõ
  • Không rượu bia tối khuya
  • Không bài bạc, múa hát xập xình

Thay vào đó là: Giờ cầu nguyện mỗi tối, thường bắt đầu lúc 19 giờ, kéo dài tầm 45 phút. Chương trình gồm phần hát thánh ca, ông Mục sư chia sẻ sứ điệp, cầu nguyện an ủi gia quyến.

Lần đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này khi gia đình tôi có một lễ tang là lúc tôi học lớp 4 hay 5 gì đó. Bà cố tôi qua đời vì tuổi cao sức yếu. Mẹ hay kể, do ngày xưa nhà nghèo, ông bà ngoại phải gửi mẹ tôi – là chị cả – về sống với nội – là bà cố tôi. Dù lúc đó khó khăn, tình thương của nội thưa thớt nên mẹ tôi nhiều lần tìm cách ở với ngoại vì được chăm lo, yêu thương hơn, nhưng bất thành. Ngày tháng nhi đồng mẹ khổ sở nhưng lúc nào cũng dành cho bà cố sự kính trọng đặc biệt.

Nhớ ngày cố sắp mất, bà vô ở với ông bà ngoại tôi, tính tình thay đổi nhiều lắm. Đến khi bà trở về nhà trên chiếc băng ca trắng toát. Ngoại mặc cho bà cái áo dài gấm ngà ngà hồi khỏe vẫn thường diện lúc đi nhà thờ rồi cẩn thận bấm từng nút. Dì Út tôi thì trang điểm, các cậu mang vớ, bao tay. Cả nhà tứ xứ tề tựu đầy đủ giữa đêm khuya. Một đứa trẻ chưa hiểu chuyện như tôi lúc đó ban đầu háo hức lắm, sau thấy ai cũng khóc thì mới chực nhớ.

Tôi vốn không giỏi kết giao, nên rất ít bạn bè. Hy vọng họ có thể dành chút thời gian đến viếng đông đủ vào giờ cầu nguyện tối này, nán lại đôi phút nghe sứ điệp Phúc Âm.

3. Chuyến xe đi ngược

Mỗi sáng, quãng đường từ nhà đến công ty rất dài. Trong đó có đoạn qua Quốc lộ 50, cung đường dẫn vào nghĩa trang Đa Phước. Lần nhiều nhất mà tôi đếm được là có 8 chiếc xe tang chạy ngược chiều. Già có, trẻ có, nam có, nữ có. Có người mỉm cười hạnh phúc, có người nét mặt khắc khổ. Có người đoàn xe tang nối đuôi tắc cả đường nhưng trên xe chẳng có ai ngồi.

Mỗi lần thấy cảnh tượng đó, tôi đều nghĩ đến ngày mình nhắm mắt xuôi tay. Tự nhủ phải sống hết mình cho giây phút hiện tại.

Có một đoạn video rất thường hay xuất hiện trong Facebook, nội dung đại ý:

  • Đừng nói lời hối tiếc khi tôi qua đời, hãy trò chuyện khi tôi còn sống
  • Đừng nói khóc khi tôi qua đời, hãy ôm tôi thật chặt khi chúng ta gặp nhau

> Xem thêm các bài thuộc Thử thách viết cho những Thứ cuối cùng của năm 2022: Thứ Ba: Tại sao tôi thích đọc tin nhắn cũ?