Bạc vàng hôm nay
Mai đây nằm xuống
Tay buông, còn gì?
Nhớ vài chuyện lúc trước…
Vùng tôi sống có truyền thống nông nghiệp lâu đời, trước khi một lượng lớn đất ruộng chuyển đổi sang mục đích công nghiệp với các dây chuyền may giày Adidas, Nike, Asics… xuất khẩu sang tận các nước châu Âu (chuyện kể bà dì tôi đi bay, qua Pháp mua đôi Nike, lật tag thấy Made in Vietnam, mã số là xí nghiệp ngay sát bên nhà bả, hề hước).
Tôi còn nhớ lúc nhỏ căn nhà cao nhất trong vùng chỉ có 2 tầng thôi, ruộng lúa nhìn tít mắt, một vài khoảng đất trống thì dùng làm nghĩa địa. Đến nay đất ruộng chuyển thành thổ cư, phân lô, cắt bán cho dân thành phố đổ về sinh sống. Ruộng nhà nội thì chia năm xẻ bảy, vuông vứt, dứt khoát như cái cách các cô tôi tranh giành mấy ngàn mét đất. Xong, ai cũng nhanh tay rào lại, chẳng để phần cha tôi.
Mẹ thường kể phải chi ngày mười chín, đôi mươi hiểu chuyện một chút, khi bà nội nói “Vợ thằng Thanh cho má 300 ngàn, má bắt xe đò xuống tỉnh sang chủ quyền đất qua cho vợ chồng bây. Vì là đất của ông ngoại nó, từ ông sang cho cháu thì phải xuống tới tỉnh người ta mới mần”, ráng vay mượn cho đủ, thì khi nội đi gặp ông cố cách đó chưa đầy một tháng, cha sẽ có phần kế thừa chứ không như bây giờ.
Ở hiền gặp lành là có thiệt
Tính ra cũng hay, nết cha tôi rất hiền, ngoài chuyện ngày xưa chưa tin Chúa hay uống rượu bia, xỉn vô cầm con dao phay ra giữa đường rủ người ta quánh lộn thì chưa tranh giành với ai điều gì bao giờ. Thành ra, tới khi hay tin ông nội chia phần hết cho mấy đứa con gái từ một bác bà con bạn dì, cha tôi cũng bình thản thể như nghe chuyện nhà người ta dẫy.
Đến ngày đưa tang ông nội, bỏ vành khăn trắng xuống huyệt mộ sâu, nằm sát góc mảnh đất chữ nhật, coi như hết một kiếp người, giành nhau làm gì? Sau đó mấy tháng thì người ta báo tin cô Út thuê đội mai táng đào mộ bà nội ở giữa ruộng lên. Bà chủ đất một thời hiên ngang nằm giữa đồng ruộng của mình nay phải chuyển vào góc nằm cạnh chồng. Rồi miếng đất chữ nhật càng hoàn hảo hơn vì không còn mồ mã chắn ngang. Người ta xây hàng rào khóa chặt khu mộ. Vậy là từ Tết năm nay, nhà tôi không còn tảo mộ bà nội nữa!
Cập nhật: Về phần khu đất, có tin người ta chia thành 5 phần, mỗi phần 200 mét vuông. Còn thửa ruộng trước khi bà nội muốn sang tên cho cha, vào khu quy hoạch, nghe đâu tiền đền trên dưới 10 tỷ đồng, người ta cũng chia thành 5 phần nốt. Thấy người ta trở nên sung sướng, thôi cũng mừng vậy!
Nhờ cái tính không tranh, chẳng giành mà đổi lại nhà tôi giờ tương đối yên ấm, đủ mặc, đủ ăn. Anh em tôi công việc cũng thuận lợi. Bà con xa gần hiểu tường tận sự tình năm xưa vẫn yêu thương, cảm thông chứ không ngoảnh mặt làm ngơ.
Có người nói do bà nội tôi sinh thời làm nhiều việc thiện, tới nỗi thấy người ta nghèo không có tiền mua áo quan, bả về nạy vách nhà cho người ta xài; con chị con em thì làm khống giấy khai sinh để được đi học biết chữ, nên tới đời cha con tôi mới may mắn như vậy! Có thể! Nhưng chẳng phải đó là ơn phước của Thượng đế hay sao?
Nếu tôi còn bà nội
Nhắc bà nội, tôi có biết mặt đâu, ngày tôi đầy tháng là đám tang bả. 25 năm rồi, giờ hễ tôi bới đầu đi ra đường mà gặp ngưới quen là y rằng họ nói một câu: “Nhìn mày y chang cô Năm hồi đó”. Nhớ có lần mới chuyển vào nhà mới – là căn tôi đang ở bây giờ – trong đêm đầu tiên ngủ, tôi thấy bà nội lần đầu và cũng là duy nhất.
Thấy nội mặc cái áo dài màu xanh nước biển – cha nói màu nội thích nhất, thích xanh lá và xanh biển, nhưng chẳng rõ mặt. Nội dắt tôi đi mua bánh, đi chơi… rồi tôi tỉnh dậy trong nước mắt. Vậy đó. Nếu nội còn chắc giờ hoàn cảnh đã khác nhiều, nhưng chưa chắc tôi hạnh phúc như bây giờ.
Tuy không giàu tài sản nhưng tinh thần nhẹ nhàng, tươi vui, tin sống theo Đạo và bày tỏ điều lành cho mọi người xung quanh.
Đôi khi vài câu chuyện xưa cũ lại ra khỏi hốc hang ký ức, hiển hiện trước mặt sống động như mới ngày hôm qua. Có lẽ đó là lúc ta nên dành thời gian biết ơn, tất cả, để thấy mình may mắn ra sao, và phải có thái độ như thế nào trong quãng đời còn lại!
“Con sông thái an” (tựa gốc: Like a River, Glorious), bài Thánh ca số 275.
“Ta nay không lo lắng chi,
Ắt chẳng hoang mang gì,
Cũng chẳng đau thương sầu bi;
Vững chí muôn muôn thì.”