Viết rành mạch

Trên đời làm gì có ai viết ra là rành mạch liền, người ta viết ra rồi đọc lại thật kỹ, chỉnh sửa tới khi ưng ý mới thôi.

Nhân sự vụ một bạn đồng nghiệp nhắn tin hỏi, rằng sao chị hay viết rành mạch, đọc lên nghe lưu loát, câu tuy không dài nhưng đầy đủ ý. Ôi bạn ơi, giờ đáp do sẵn có, hay nhờ viết nhật ký, hoặc đọc sách thì nghe nó có lao láo giáo điều không cơ chứ!

Tôi đã chần chừ rất lâu, để khỏi phải soạn thêm dòng tin ngay khi nhận được câu hỏi. Để hôm nay, rút kết đôi ba dòng, biết đâu là cần thiết cho bạn (và cả những người bạn).

1. Hãy đọc

Thật ra, tôi biết viết trước. Ngoại trừ việc viết ngược các chữ số, thì việc vẽ chữ tương đối dễ dàng. Năm lên sáu tuổi, khi đi chợ với mẹ thì mới hay con người ta đang vô nhập học ngày đầu rồi. Ok, chạy về xách cặp đi học liền. Từ đó trở đi là chuỗi ngày mẹ cha ngoài tiền ăn, tiền học còn phải tốn thêm tiền mua báo cho tôi. Thứ 2 Rùa Vàng, thứ 3 Nhi Đồng, thứ 4 Khăn quàng đỏ, Tuổi Trẻ thì đọc ké cha mỗi ngày. Tới năm lớp 9 thì đọc ké Mực tím của anh Hai, VTM của dì Hai. Cấp hai, cấp ba thì cứ lên thư viện. Khỉa mười hai năm đọc báo. Giờ nhắc chuyện này còn buồn, ông bác bán sạp báo lớn nhất thị trấn đã qua đời, cái kho sách truyện cũng lẳng lặng mất theo.

Đến khi có đồng lương cộng tác viên đầu tiên thì đơn sách Tiki đầu tiên được đặt, mở ra một hành trình mua sách dài dài. Tiếp theo đó là những ngày học chuyên ngành Ngôn ngữ, bên cạnh giáo trình đại cương, sách lý luận, luận văn, sách liên ngành… thì nguyên cái thư viện trường nó làm mình sung sướng làm sao :v

Đọc thì dễ, nhưng đọc đường dài thì rất khó. Hãy bắt đầu với quyển sách của tác giả mà bạn yêu thích nhất, hoặc một tựa sách đúng với điều bạn muốn tìm hiểu, còn nếu thấy mông lung thì cứ chọn quyển nào có cái bìa thu hút bạn nhiều nhất.

Như câu nói: “Dù tôi không thể nhớ hết những cuốn sách tôi từng đọc cũng như những bữa tôi từng ăn, nhưng chúng đều làm nên con người tôi.” – Ralph Waldo Emesson. Tất cả những gì đã đọc, làm nên con người bạn, cụ thể nhất là qua việc bạn chọn lọc từ ngữ, lối diễn đạt, cách trình bày văn bản.

Bạn cũng có thể xem xem tôi đọc sách như thế nào nè

> https://phamthuythaonguyen.com/toi-doc-sach-nhu-the-nao/

2. Hãy học

Ừ thì mình phải học. Vậy học từ đâu?

  • Sách (tất nhiên là những cuốn sách mình đọc)
  • Những người xung quanh có liên quan trực tiếp với mình (bạn bè, đồng nghiệp…)
  • Công việc. Khi viết không chỉ là sở thích mà trở thành cần câu thì học từ công việc là hiệu quả nhất. Con chữ xây dựng hình ảnh thương hiệu cá nhân, sự uy tín và thể hiện trách nhiệm trong công việc

3. Hãy nghĩ

Dù muốn hay không con người vẫn luôn không ngừng suy nghĩ, vậy thì lúc viết hãy nghĩ nhiều hơn một chút.

Nghĩ trước khi viết
  • Viết về cái gì: thu thập thông tin chính xác về đối tượng cần viết. Chỉ khi biết tận tường thì người ta mới có thể diễn đạt đơn giản và dễ hiểu, và cả rành mạch nữa
  • Viết cho ai đọc: nhân khẩu học của người đọc, chọn cách tiếp cận
  • Viết nhằm mục đích gì: bạn cần người ta làm gì sau khi đọc
Nghĩ trong khi viết
  • Viết những gì bạn đã nghĩ sẵn từ trước
  • Viết luôn những gì bạn chợt nảy ra trong lúc viết (có thể dạng note hoặc bản nháp, hay đơn giản là viết phía dưới cùng của đoạn)
Nghĩ sau khi viết
  • Kiểm tra lỗi chính tả (dù rất ghét lặp từ và luôn tìm cách để bản thân khỏi phải lặp từ, nhưng tôi thật sự muốn lặp lại “kiểm tra lỗi chính tả” 10 lần). Tất nhiên cũng sẽ có lúc sai sót, nhưng hãy hạn chế tối đa các lỗi chính tả trong bất kỳ nội dung nào từ bạn.
  • Kiểm tra lặp từ. Biện pháp đơn giản nhất là dùng lệnh “find” trong các trình soạn thảo. Biện pháp dài lâu là tìm tòi từ đồng nghĩa.
  • Cách diễn đạt. Lược bỏ những từ có cũng được, không có cũng chẳng sao. Hãy nhớ, chỉ có được và không được, chứ không có cũng được. Này trong văn bản hành chính như hợp đồng, báo giá, email khách hàng đồ đó, mình ngắn gọn lên, nội dung mang tính chất thông tin lên, dùng từ toàn dân lên.
  • Cách thức trình bày. Chấm phẩy rõ ràng, tách đoạn hẳn hoi, cần thiết thì shortlist vô. Quan trọng. Nếu cần cầu khiến thì mình phải rạch ròi vào, phải hỏi vào. Để khi đọc xong, người ta còn biết cần phải làm gì.

4. Hãy viết

Viết nhiều lên. Viết rồi giữ đọc một mình cũng được. Hãy bắt đầu với việc viết nhật ký hàng ngày, viết blog… còn dũng cảm hơn thì làm thơ :v vài dòng con cóc cũng đáng để bạn tìm thêm vài từ mới trong từ điển tiếng Việt mà. Nhớ ngày xưa tôi rất thích Phan Hồn Nhiên. Về sau thì gắng viết cho giông giống. Sau thì thành hình rồi, vẫn còn muốn cảm ơn tác giả này.

Muốn biết chạy thì phải biết đi, muốn viết rành mạch thì trước tiên hãy viết đi, đừng do dự nữa.

Quan trọng hơn hết là, chẳng có ai nhanh chóng giỏi giang, chẳng qua họ đã sai nhiều hơn bạn tính đến thời điểm hiện tại :v Vậy nên, đừng quá sợ hãi khi nghĩ mình sẽ sai (dù đôi lúc nó sai thiệt). Quan trọng đừng sai nhiều lần ở một lỗi. Như chậu bonsai dáng hình trông thanh lịch, cũng phải chịu nhiều tỉa sửa, cắt gọt đó sao?

Viết rành mạch
Để viết rành mạch, thì hãy thực hiện vòng tuần hoàn trên