102024 – Hue

Huế đầu tháng 10 mây nhiều, nắng nhẹ, phớt chút mưa phùn là thời điểm thích hợp cho một chuyến khám phá nội thành chầm chậm. Đủ nắng nhẹ để chụp ảnh, đủ mát mẻ để tản bộ hết Đại Nội, đủ mưa để dừng lại tìm hiểu chi tiết, đủ vắng vẻ để thong thả thưởng thức các quán ngon.

Cùng xem chuyến đi lần này như thế nào, tất nhiên có đính kèm lịch trình và vài tips cho một chuyến đi Huế nhẹ nhàng.

phamthuythaonguyen hue 102024

1. Hẹn Huế hụt

Lần hẹn Huế vào tháng 9 nhưng đến tận tháng 10 mới thực hiện được. Cũng tầm thời điểm này hai năm trước chúng tôi đang lang thang Hội An, lần này là Huế.

Bảo lưu được vé chiều về, chúng tôi nhanh chóng đặt lại vé chiều đi để không trì hoãn chuyến đi thêm nữa.

Rút kinh nghiệm hai năm trước là hành khách cuối cùng được gọi tên lên chuyến bay, để không phải tất tả chạy hụt hơi đến cổng soát vé, chúng tôi đã tranh thủ đến sớm dù đã checkin online. Tất nhiên là đã tranh thủ xuất phát 30 phút nhưng toi vẫn đến nơi sát nút do kẹt xe và vào nhầm cổng an ninh của hãng bay.

2. Thong dong Hoàng Thành

Khi vừa đặt chân đến Huế, thứ đầu tiên bạn thấy rất có thể là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới treo tại Kỳ Đài. Sự phân chia và giao thoa tại Huế hiện lên rõ nét về đêm. Khi sự trầm mặc bao trọn Hoàng Thành, khi xe cộ thưa dần, chỉ còn lại những công trình kiến trúc vẫn đứng sừng sững như minh chứng cho lịch sử thăng trầm và toát lên khí thế hào hùng như hàng trăm năm qua vẫn thế. Lúc này, lá cờ vẫn rực rỡ trong ánh đèn.

Kỳ Đài với lá cờ đỏ sao vàng treo cao bay phấp phới trong gió

Ngọ Môn sáng thứ Bảy ngày đầu tháng 10 với thời tiết mát mẻ và vài đoàn khách du lịch. Sau khi đánh một vòng tham quan Đại Nội, bạn có thể men theo lối cầu thang để lên Ngọ Môn, từ đây phóng tầm mắt quan sát khung cảnh Hoàng Thành từ trên cao. Ngồi vắt vẻo một xíu cho mát mẻ, đỡ mỏi chân rồi lại tìm cổng ra.

Ngọ Môn ngày nhiều mây, nắng nhẹ, khách thưa, thong dong dạo chơi.

Tả Vu là nơi quan thần tập trung để chuẩn bị cho các nghi thức trước khi vào thiết triều. Tả Vu là nơi dành cho quan văn, Hữu Vu là nơi dành cho quan võ. Tại công trình này có bán một số món lưu niệm, nước uống và dịch vụ hóa trang chụp ảnh.

Trường Lang là hệ thống hành lang kết nối các công trình trong Đại Nội.

Điện Kiến Trung đã mở cửa cho du khách vào tham quan sau 5 năm trùng tu, phục dựng. Đây là nơi sinh hoạt của hai triều Nguyễn cuối cùng: Khải Định và Bảo Đại. Công trình nổi bật với hệ thống cửa màu đỏ nổi bật trên nền tường vàng được chạm trổ họa tiết gốm sứ tinh xảo.

Từ điện Kiến Trung nhìn thẳng ra điện Thái Hòa, Ngọ Môn, Kỳ Đài. Góc nhìn 1 ô cửa sổ Điện Kiến Trung.

Từ cửa này bắt được tấm này nè

Một số họa tiết trang trí phần mái của các công trình trong Đại Nội. Các công trình quan trọng, dành cho vua được trang trí hình rồng. Các công trình dành cho hoàng hậu, thái hậu… dùng họa tiết hình chim phượng.

Họa tiết lưỡng long
Họa tiết hình chim phượng

Người dân tại Huế tôi gặp đều hòa đồng, điềm tĩnh. Lúc đi bộ từ tan. qua Đại Nội có ngang qua Bảo tàng Cổ vật, gặp hai chú xích lô đang ngồi chơi, chú nói vui “Con chụp cho hai chú một tấm đi”, toi cũng đưa máy lên chụp, xong hỏi chú Zalo để gửi, mà chú không có Zalo.

3. Cung đường nhà vườn An Hiên – Thiên Mụ

Sáng Hoàng Thành, trưa cơm Sen, xong tạt qua cung đường nhà vườn An Hiên – Thiên Mụ.

Phía sau cánh cổng số nhà 58 là khung cảnh cây lá được chăm chút xanh tươi mơn mởn. Dường như mọi náo nhiệt đều được bỏ lại ngoài cửa, không gian bên trong cũng khiến cho người ta phần nào trở nên trầm tĩnh. Khi còn đang tìm chỗ bán vé thì có một chú đến thu vé, xong chú hướng dẫn vào bên trong để cùng nghe thuyết trình.

Bảng giới thiệu nhà vườn An Hiên ngay tại lối vào

An Hiên rộng 6,500 m2, vốn là phủ công chúa vào thời vua Dục Đức (1883). Sau đó cơ ngơi do cháu ruột của Thái Hoàng Thái Hậu Từ Dũ quản lý vào năm 1895. Căn nhà lại một lần sang chủ vào năm 1920 với sự tiếp quản của Tùng Lễ – một cự phú giàu có và giàu lòng nhân đức đặc biệt là đối với người nghèo. Tồn tại qua thăng trầm lịch sử, căn nhà sang tay nhiều người nhưng được các đời chủ gìn giữ cẩn thận.

Lối vào sở hữu khung cảnh kinh điển tại nhà vườn An Hiên

Người chủ cuối cùng tiếp quản căn nhà vào năm 1936. Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Đình Chi bị thu hút bởi câu chuyện của căn nhà nên đã quyết định mua lại để tiếp tục bảo tồn. Đến năm 1940 ông qua đời và người vợ tiếp tục quản lý nhà vườn cho đến khi bà qua đời vào năm 1997.

Bà Đào Thị Xuân Yến (bà Tuần Chi) là một người học cao hiểu rộng, thông thạo nhiều thứ tiếng. Là người phụ nữ miền Trung đầu tiên học trường Albert Sarraut và đỗ Tú tài Tây (1933), nữ hiệu trưởng người Huế đầu tiên của trường Nữ Trung học Đồng khánh Huế vào thập niên 1950, đại biểu Quốc hội vào thập niên 1980.

Sau đó ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của người con dâu và các cháu nội. Nhưng do họ sang Pháp định cư nên ngôi nhà bị bỏ hoang một thời gian, khiến cho các đồ vật dần bị đánh cắp và dần hư hỏng. Đến năm 2017 Silk Path Hotels & Resorts mua lại An Hiên và tiến hành bảo tồn, tu sửa, mở cửa cho du khách tham quan như hiện nay với hàng nghìn gốc cây sẵn có trước đó.

Băng qua cánh cổng dẫn vào lối đi rợp bóng cây, là tấm bình phong có chữ thọ với hình cánh cung như chiếc mũ của quan nhằm thể hiện mong ước trường thọ và mang đến sự che chở, bảo vệ cho căn nhà. Tiếp đến là hồ nước. Bình phong và hồ nước là hai yếu tố quan trọng tạo nên phong thủy cho An Hiên. Nhà vườn An Hiên là công trình tiêu biểu nhất cho lối kiến trúc nhà vườn tại Huế và là căn nhà vườn được bảo tồn tốt nhất tại đây.

Chùa Thiên Mụ cách An Hiên khoảng 1km (theo Google Map), do đó tôi và bạn đồng hành quyết định tản bộ dưới thời tiết mát mẻ trên cung đường dọc theo sông Hương thơ mộng. Nhưng thực tế là đi hoài không tới :v 1km dài hơn tưởng tượng với một chút dốc lên.

Góc nhìn từ Thiên Mụ chụp ra xa sông Hương

Cuối cùng chúng tôi cũng đến kịp trước khi mặt trời lặn, dành tầm 10 phút ăn đậu hủ phía bờ kè và leo những bậc thang dẫn vào Thiên Mụ.

4. Cà phê sáng và chợ Đông Ba

Sau khi ăn sáng xong, chúng tôi ịn nhẹ đến Đề-pô đánh ly cà phê muối rồi lạo chợ Đông Ba làm vài thức quà tặng. Lúc này thong thả tuyệt đối không mang theo máy nên không có hình hẹo gì ráo :v

5. Lịch trình tham khảo

Dành cho những ní thích sự thong thả, di chuyển chủ yếu bằng xe hai cẳng và taxi công nghệ, tham quan nội thành.

Ngày 0:

  • 18:00 – 19:00: Bay đến Huế
  • 19:00 – 19:30: Di chuyển vào trung tâm Thành phố Huế, nhận phòng khách sạn
  • 19:30 – 20:30: Ăn tối bánh bèo, bánh nậm, bánh lọc, mì hến… tại Nhạn 96 Lê Thúc Loan (Map), xong lạng qua hàng chè, hàng sinh tố gần đó :3
  • 20:30 – 21:00: Dạo phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu (hay còn được gọi là phố Tây vì có nhiều dịch vụ ăn uống, giải trí thu hút nhiều khách nước ngoài)
  • 21:30: Về khách sạn ngủ nghỉ

Ngày 1:

  • 08:30 – 09:00: Ăn sáng
  • 09:00 – 10:00: Cà phê tan. tại 86 Đinh Tiên Hoàng (Map). Từ tan. đến Ngọ Môn rất gần, có đi ngang qua Bảo tàng Cổ vật nữa, từ đây bạn có thể đi bộ.
  • 10:30 – 14:30: Đại nội (giá vé 10/2024 là 200,000 VND/ người)
  • 14:30 – 15:30: Ăn trưa tại Cơm Sen tại 4 Trần Liên Anh (Map)
  • 16:00 – 17:30: Nhà vườn An Hiên – Thiên Mụ
  • 17:30 – 18:30: Ghé khách sạn rửa mặt :v
  • 19:00 – 20:00: Ăn tối quán 36 Đinh Tiên Hoàng (Map). Chỗ này nên thử vịt lộn om bầu, tré trộn… Quán chè heo quay Mợ Tôn Đích sát nách luôn, ăn xong đi bộ ra làm chén chè.
  • 20:00 – 20:30: Dạo phố đi bộ Hai Bà Trưng. Phố này là 1 đoạn đường chặn xe, lát đá, rộng thoáng.
  • 20:30 – 21:30: Sinh hoạt về đêm, tâm sự tuổi hồng
  • 22:00: Dìa khách sạn ngủ

Ngày 2:

  • 09:00 – 09:30: Ăn sáng
  • 09:30 – 10:00: Cà phê Đề-Pô tại chợ Đông Ba (Map).
  • 10:00 – 10:30: Đi chợ Đông Ba
  • 13:30 – 12:00: Về khách sạn thu dọn
  • 12:00 – 13:30: Ăn trưa CHẠN tại 19 Nguyễn Thái Học (Map). Quán ổn để dùng bữa khi đi du lịch, tương đối đông, nên đặt bàn trước để tránh chờ lâu.
  • 13:30 – 15:00: Cà phê Trốn tại kiệt 21 Lê Quý Đôn (Map)
  • 15:00 – 15:45: Ra sân bay Phú Bài
  • 18:00 – 19:00: Về Sài Gòn

Tạm biệt và hẹn gặp lại Huế trong một lần ghé thăm khác.